Gỗ biến tính (hay còn gọi là gỗ gia nhiệt, gỗ thermo) là sản phẩm của gỗ nguyên khối tự nhiên thông sự biến đổi nhiệt dưới áp lực và hơi nước cao, nhằm cải thiện các đặc tính tiêu cực vốn có. Trong quá trình này, nhiệt độ tại các buồng xử lý có thể lên đến 320°C. Đồng thời, nhiệt độ bên trong gỗ được duy trì từ 180 – 220°C tùy thuộc vào loại gỗ với mục tiêu chính là giảm độ ẩm từ từ về 4 – 6%.
Khi duy trì nhiệt độ cao như trên, các tính chất vật lý cơ bản của gỗ sẽ dần bị biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. Điều này bao gồm việc tăng cường độ cứng, khả năng chống mối mọt và nấm mốc, cũng như giảm thiểu tình trạng cong vênh hay co rút của gỗ khi sử dụng.
Ngày nay gỗ là vật liệu gần như không thể thay thế trong rất nhiều lĩnh vực, tuy có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế bởi tính chịu nước không cao, dễ cong vênh, ẩm mốc, phồng rộp khi tiếp xúc với môi trường ẩm cao. Chính vì thế gỗ biến tính ra đời để giải quyết những nhược điểm tồn đọng này để tạo nên một loại vật liệu hoàn thiện hơn.
Nguồn gốc gỗ biến tính
Gỗ biến tính xuất hiện từ những năm 1930, do sự đóng góp của các nhà khoa học Đức Stamm và Hansen. Đến năm 1940, nhà khoa học người Mỹ White đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển giúp nâng cao chất lượng công nghệ này. Tiếp theo vào những năm 1950, 3 nhà khoa học Bavendam, Runkel và Buro đã đóng góp to lớn vào ngành gỗ công nghiệp, mở rộng kiến thức về cách mà gỗ phản ứng với nhiệt độ và áp suất cao, từ đó tạo ra phương pháp tiếp cận mới nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý gỗ.
Đầu thế kỉ 21, Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật của Phần Lan (VTT) đã tiến hành nghiên cứu và tạo ra một phương pháp tiên tiến được biết đến với tên gọi là “Thermowood”. Với công nghệ mới này giúp gỗ không chỉ cải thiện tính chất mà còn góp phần bảo vệ môi trường bằng việc áp dụng nhiệt độ cao thay vì sử dụng hóa chất.
Thông số kỹ thuật
Hiện nay trên thị trường có một số loại gỗ gia nhiệt phổ biến như: gỗ thông biến tính, gỗ tần bì biến tính, gỗ sồi biến tính,…Trong đó, thông số được quan tâm nhất chính là tỷ trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và độ bền của loại gỗ này. Dưới đây là thông số kỹ thuật chi tiết Quý khách có thể tham khảo:
Tỷ trọng trung bình: Từ 350 đến 650kg/m3
Độ ẩm chỉ từ 4% đến 6%
Đồ dày phổ biến: 20, 22, 26mm
Kích thước phổ biến: ( dày x rộng x dài )mm
20/22/24mm x 120/125mm x 1820/2000mm
Quá trình sản xuất gỗ biến tính thường được trải qua 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Sấy khô
Nhằm loại bỏ hết độ ẩm trong gỗ, giúp gỗ dễ dàng hấp thụ nhiệt trong quá trình xử lý nhiệt. Gỗ được sấy khô trong lò sấy với nhiệt độ tăng dần, từ 40-50oC đến 100oC. Sau đó, gỗ được sấy khô ở nhiệt độ 100-130oC cho đến khi độ ẩm của gỗ về 0%.
Giai đoạn 2: Xử lý nhiệt
Giai đoạn này là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của gỗ thành phẩm. Gỗ sẽ được xử lý nhiệt trong lò với nhiệt độ và thời gian khác nhau tùy thuộc vào loại gỗ và mục đích sử dụng.
Đối với gỗ Thermo S, nhiệt độ xử lý là 180 – 190oC trong 2-3 giờ.
Đối với gỗ Thermo D, nhiệt độ xử lý là 200 – 212oC trong 2-3 giờ.
Giai đoạn 3: Làm mát & điều hòa
Công đoạn này nhằm hạ nhiệt độ của gỗ và đưa độ ẩm của gỗ về mức tiêu chuẩn. Gỗ được làm mát bằng cách phun nước, và nhiệt độ lò sấy lúc bấy giờ giảm xuống chỉ còn 80-90oC. Quá trình này được thực hiện liên tục cho đến khi độ ẩm của gỗ đạt 4-6%.
Sau khi hoàn thành 3 giai đoạn trên, gỗ gia nhiệt được đưa ra khỏi lò và được cắt xẻ, bào nhẵn theo kích thước yêu cầu để phù hợp với từng ứng dụng như làm sàn gỗ biến tính, cửa biến tính, nội thất biến tính,…